Cụ thể hóa chính sách để kinh tế tập thể phát triển

Thông tin từ: http://www.nhandan.com.vn/

Cụ thể hóa chính sách để kinh tế tập thể phát triển

Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đã phát huy tác dụng, từng bước tạo động lực để mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát triển, vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách cần được cụ thể hóa nhằm tạo “đòn bẩy” giúp loại hình kinh tế này phát triển một cách bền vững.

Nhiều điểm sáng

Sau khi giới thiệu những khu nhà riêng biệt nằm trên mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông như phòng may, thêu; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm; khu để vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, vườn trồng cây hoa quả…, Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh – thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Ðức, TP Hà Nội) Nguyễn Phi Ðức chia sẻ: “Ðể có trụ sở khang trang như ngày hôm nay, HTX đã phải di chuyển tới ba lần. Mà thời điểm đó HTX rất khó khăn, vốn liếng không có nên ban chủ nhiệm phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng”.

Nói về hiệu quả hoạt động, Giám đốc Nguyễn Phi Ðức cho biết: Trước năm 1998, do nhiều khó khăn nên HTX Dương Liễu cũng như nhiều HTX nông nghiệp khác trong cả nước hoạt động không hiệu quả. Bản thân HTX Dương Liễu giai đoạn này đang gánh trên lưng khoản nợ 160 triệu đồng và nợ phải thu lên tới 150 triệu đồng. Ðiều này đã thôi thúc lãnh đạo HTX suy nghĩ phải làm cái gì khác và phải tạo ra tiền. Với việc thầu gạch, HTX tìm cách tăng sản lượng từ 1 triệu viên gạch/năm lên 3,3 triệu viên/năm. Tiếp đến là chuyển đổi cơ chế từ bao thầu điện chuyển sang khoán chỉ tiêu theo thực tế, giúp giảm giá bán điện cho các hộ dân so với trước đó vì kiểm soát được tổn thất điện năng. Chính từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động, với những chính sách, biện pháp mới, từ năm 2001 đến nay, HTX không ngừng mở rộng sản xuất, cung ứng sản phẩm và từng bước nâng cao đời sống của các thành viên. Sau khi củng cố, kiện toàn lại theo quy định của Luật HTX, HTX Dương Liễu hiện có 2.416 thành viên, tổng số vốn hoạt động hơn 8 tỷ đồng, doanh thu năm 2013 đạt gần 30 tỷ đồng. Lương cán bộ HTX đạt 3 triệu đồng/tháng, còn thu nhập bình quân đạt khoảng 28 triệu đồng/hộ gia đình/năm. Ngoài ra, lĩnh vực hoạt động của HTX cũng ngày càng đa dạng như: dịch vụ điện, tranh thêu, xử lý môi trường, rác thải, thương mại, dịch vụ tổng hợp, dịch vụ nông nghiệp…

Không chỉ Dương Liễu, nhiều HTX khác trên địa bàn cả nước cũng tìm được những hướng đi mới, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế tập thể. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Nghĩa (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Văn Bảo cho biết: HTX có quy mô làm dịch vụ phục vụ 1.985 hộ nông dân sản xuất canh tác trên 367,8 ha và 10 ha nuôi thả cá. Ngoài hai vụ sản xuất thâm canh lúa, các hộ nông dân tích cực trồng cây vụ đông chiếm 60% số diện tích canh tác với nhiều loại cây trồng rau màu, cây xuất khẩu, cây ăn quả phong phú, đa dạng. Ðặc biệt, trong vài năm trở lại đây, HTX đã quy hoạch 30 ha chuyên trồng màu, dưa chuột, bí xanh, rau các loại, trồng rau an toàn (hiện đã trồng được 7 ha) có mức thu nhập đạt 230 triệu đồng/ha. HTX cũng đang triển khai cấy thí điểm 7 thửa giống lúa tím (lúa thảo dược, cho năng suất khoảng 5,5 tấn – 10 tấn/ha) để đánh giá năng suất, sản lượng trước khi tiến hành cấy đại trà trên toàn xã. Ngoài ra, HTX cũng đã chuyển đổi 7,5 ha diện tích thường hay bị úng lụt, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp sang mô hình trang trại; 11 hộ đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cần cụ thể hóa chính sách

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng nhiều HTX vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Nhiều HTX phải mất hàng chục năm chạy vạy hết nơi này đến nơi khác để xin được mảnh đất xây dựng trụ sở nhưng rồi “đâu lại vào đấy”. Ðó còn chưa kể tới hàng loạt các yếu tố, chính sách cần có sự thống nhất, hỗ trợ để phát triển loại hình kinh tế tập thể như: chuyển giao kỹ thuật, cách thức tiếp cận vốn, đầu tư cho sản xuất…

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Trung Nghĩa Nguyễn Văn Bảo khẳng định: Toàn bộ cơ sở vật chất HTX đều phải tự lo. Từ chỗ xin giao đất, vay vốn xây trụ sở, các HTX đều phải tự mày mò, từng bước tháo gỡ khó khăn. Năm 2003, HTX xin đất, xây trụ sở mất khoảng 800 triệu đồng nhưng từ đó đến nay HTX vẫn đang trong quá trình trả nợ. Bên cạnh đó, HTX cũng đang phải huy động nguồn vốn để xây dựng hệ thống đường điện, bơm nước giếng khoan ra nội đồng nhằm phục vụ người dân sản xuất rau an toàn. Một trong những rủi ro rất lớn khi sản xuất nông nghiệp đó là thường xuyên bị ảnh hưởng về thời vụ và giá. Khi được mùa thì giá giảm nhưng người nông dân không được hỗ trợ về giá khiến cho hoạt động sản xuất ngày càng khó khăn.

Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm HTX Xuân Quang (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) Nguyễn Văn Tằng chia sẻ: Hiện tại, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp rất thấp, nhất là về vốn, máy móc, thiết bị, kho tàng, bến bãi. Muốn sản xuất nông nghiệp có hiệu quả thì việc tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật phục vụ quá trình sản xuất chiếm vai trò hết sức quan trọng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các chính sách điều hành, quản lý về giá vật tư nông nghiệp, bởi trên thực tế vẫn còn cao và chưa ổn định. Ðó còn chưa nói tới việc cạnh tranh giữa các HTX với các tư thương sẽ ngày càng khó khăn. Tư thương có thể “bán chịu” dài ngày nhưng HTX nông nghiệp thì không thể làm như vậy vì thiếu vốn. Tiếp đến, muốn HTX phát triển phải có chế độ lương phù hợp cho các cán bộ hoạt động, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Có như vậy mới có thể thu hút người giỏi tham gia lãnh đạo, điều hành để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Ðồng thời, rất cần có các cơ chế, chính sách, sự đối xử công bằng trong việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho lực lượng cán bộ HTX. Bởi, theo quy định, tính từ năm 2003 mới được tham gia đóng bảo hiểm thì rất nhiều người làm trước đó bị quá tuổi và họ không được tham gia sẽ là điều hết sức thiệt thòi.

Liên quan tới vấn đề trên, Trưởng Ban Chính sách và phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam) Nguyễn Minh Tuấn cho biết, năm 2002, Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung và Chính phủ ban hành Nghị định 01/2003/NÐ-CP ngày 9-1-2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Ðiều lệ BHXH thì khu vực HTX bắt đầu được thực hiện chế độ BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý HTX tuổi đã cao, có quá trình tham gia làm lãnh đạo, quản lý HTX và có đóng góp cho sự nghiệp phát triển HTX, đồng thời là cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền xã cử sang, nếu chỉ được đóng BHXH bắt buộc từ năm 2003 thì sẽ không đủ thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí. Về việc này trong buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vào năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận giao các Bộ Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Tin Liên Quan