- Hợp tác xã nông nghiệp Dương Liễu thời kỳ thành lập 1958 – 1965
Dương Liễu là một làng cổ, xứ Đoài, hình thành và phát triển cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Xã Dương Liễu ở phía Tây bắc huyện Hoài Đức, giáp các xã Minh Khai về phía Bắc; xã Cát Quế phía Nam; xã Đức Thượng, xã Đức Giang về phía Đông; phía Tây và Tây bắc giáp sông Đáy và xã Hiệp Thuận, xã Liên Hiệp huyện Phúc Thọ. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Dương Liễu cần cù, sáng tạo, xây dựng Quê hương, tạo nên truyền thống văn hóa của cư dân xứ Đoài vùng ven sông Đáy. Dưới ánh sáng cách mạng nhân dân Dương Liễu cùng với nhân dân cả nước vùng lên đấu tranh, giành chính quyền trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, một lòng theo Đảng tiến hành cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ cứu nước thắng lợi. Trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc nhân dân Dương Liễu huy động sức người, sức của chi viện cho đồng bào miến Nam ruột thịt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cải cách ruộng đất thắng lợi, nông dân tin tưởng, phấn khởi tạo ra sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên sản xuất cá thể không thể tạo ra những điều kiện để cải tạo động ruộng và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác của chế độ do nhân dân làm chủ. Hội nghị lần thứ 14 khóa II Ban chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ cơ bản của miền Bắc là phải đẩy mạnh cải tạo các thành phần phi xã hội chủ nghĩa, khâu chính là cải tạo và phát triển nông nghiệp bằng cách đưa nông dân vào hợp tác xã. Quán triệt Nghị quyết Trung ương, Chi bộ Đảng xã Chiến Thắng (xã Dương Liễu ngày nay) đã phát động và tổ chức cho nông dân từng bước đi vào làm ăn tập thể, tháng 9 năm 1958 toàn xã đã có 55 tổ đổi công, thu hút được 31% số hộ trong xã tham gia. Chi bộ Đảng quyết định thí điểm thành lập HTX ở lĩnh vực và địa bàn thuận lợi nhằm rút kinh nghiệm để thành lập các hợp tác xã trong nông nghiệp. Sau một thời gian vận động ngày 16/12/1958 lần đầu tiên 2 HTX nông nghiệp được thành lập là HTX Nông nghiệp Đồng Phú do ông Nguyễn Quang Tài làm Chủ nhiệm và HTX Nông nghiệp Me Táo do ông Phùng Xuân Tín làm Chủ nhiệm. Tháng 4 năm 1959 tiếp tục thành lập thêm 4 HTX đó là: Hợp tác xã Nông nghiệp Thống Nhất, Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Gia, Hợp tác xã Nông nghiệp Chàng Chợ, Hợp tác xã Nông nghiệp Chàng Trũng. Không phải ngẫu nhiên trong khoảng 5 tháng đã thành lập được 6 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, sức hút của kinh tế tập thể với quan hệ sản xuất mới thực sự đã mang lại niềm tin, tương lai cho người nông dân. Vững tin theo Đảng người nông dân Dương Liễu nhận thấy tính tất yếu và quy luật phát triển đã tiên phong vào HTX, mỗi xã viên tùy theo khả năng và nguồn lực đóng góp tư liệu, công cụ sản xuất bằng ruộng, đất, trâu, bò, cày, bừa, chung tay vào làm ăn tập thể. Các HTX trong thời kỳ 1958 – 1959 hoạt động rất hiệu quả, nông dân phấn khởi, năng xuất lúa tăng lên rõ rệt, đời sống xã viên được ấm no, lương thực đảm bảo. Năm 1960 hàng loạt nông dân làm đơn xin vào HTX, đến cuối năm 1960 toàn xã có 16 HTX nông nghiệp thu hút trên 90 % số hộ và gần 85% diện tích đất nông nghiệp trong toàn xã. Hợp tác hoá đi liền với thuỷ lợi, cải tạo đồng ruộng, đào mương dẫn nước, đẩy mạnh phong trào làm phân xanh, áp dụng các biện pháp ngâm ủ mạ với kỹ thuật mới 3 sôi 2 lạnh thay thế các phương pháp cũ, chỉ đạo tốt công tác làm đất, nhờ các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, 2 năm 1959-1960 liên tiếp được mùa, năng xuất lúa tăng đáng kể thường xuyên đạt từ 2,2 đến 2,5 tấn/ha (80 đến 90kg/sào), nhiều xã viên đã có thóc dư thừa.
Nhưng trong quá trình hoạt động do chủ quan, chưa có kinh nghiệm trong quản lý và điều hành, cùng với diễn biến thời tiết không thuận lợi dẫn đến năng xuất lúa, rau, màu giảm sút nghiêm trọng, đời sống xã viên gặp khó khăn. Phong trào HTX gặp phải tình trạng nông dân xin ra HTX, một số phần tử kích động xuyên tạc về nguyên tắc tự nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều lệ HTX. Đến cuối năm 1962 số hộ tham gia HTX chỉ còn 58% và hơn 40% ruông đất. Đứng trước tình hình đó Cấp ủy Chi bộ Đảng xã Chiến Thắng chỉ đạo các hợp tác xã đẩy mạnh tuyên truyền học tập về “Một hợp tác xã gương mẫu”. Bài viết trên báo Nhân dân của tác giả “TL” được triển khai một cách đồng bộ. Tác giả biểu dương thành tích của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phong, xã Phong Thủy, huyên Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và kết luận “Nếu mọi xã viên đều thấm nhuần tinh thần tập thể”, coi hợp tác xã như nhà của mình thì khó khăn gì cũng vượt qua. Phong trào học tập HTX Đại Phong được phát động, với khẩu hiệu “ Cần kiệm xây dựng HTX thì khó khăn gì cũng vượt qua”. Trong lúc cuộc đấu tranh nhằm giữ vững phong trào HTX diễn ra quyết liệt, Đại hội Đảng bộ xã Chiến Thắng lần thứ nhất đề ra nhiệm vụ tiếp tục vận động đưa phong trào HTX đi lên. Cấp ủy Đảng đã tích cực chỉ đạo Ban Quản trị các HTX chú trọng cải tạo đồng ruộng, chăm lo tới công tác thủy lợi và tổ chức tham quan thực tế với mô hình và kinh nghiệm của xã Phương Trù (tỉnh Vĩnh Phúc). Các HTX đã huy động công sức quy hoạch lại đồng ruộng theo các ô khoảnh, phá bỏ bờ vùng, bờ thửa trước đây, mở 3 đường trục chia cánh đồng xã Dương Liễu thành 4 khu (A, B, C, D). Tổ chức quy hoạch, khoanh vùng đồng ruộng và tiến hành đầu tư đào mương tưới, mương tiêu liên hoàn. Công cuộc cải tạo đồng ruộng cơ bản hoàn thành trong 2 năm (1964-1965) với việc huy động hàng chục vạn ngày công, các HTX trên toàn xã đã san lấp hàng trăm ao, chuôm, tăng thêm diện tích cấy lúa 2 vụ. Đồng thời đào đắp được 36 bờ vùng, bờ thửa, 13 kênh tưới tiêu cấp II cấp III và 2 đường liên thôn, liên xã dài 5 km với khối lượng đào đắp lên tới 230.000 m3. Hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng cùng với kênh Đan Hoài đã giúp cho đồng ruộng cơ bản khắc phục tình trạng úng, hạn, tạo điều kiện tưới tiêu tự chảy góp phần nâng cao năng xuất lúa ổn định 2 vụ trong năm, đời sống xã viên được cải thiện rõ nét. Cùng với phong trào thuỷ lơị Cấp uỷ và Chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo các HTX chăm lo công tác cày bừa, với khẩu hiệu: “Cày sâu bừa kỹ”, đẩy mạnh công tác làm phân xanh, phân bùn, áp dụng khoa học kỹ thuật đưa các giống mới vào sản xuất. Công tác quản lý tài chính được chấn chỉnh; Việc lợi dụng chi tiêu được ngăn chặn, mọi hoạt động đều được công khai, minh bạch; Tư tưởng xã viên và quan hệ sản xuất mới tiếp tục được củng cố vững chắc, năm 1964 tỷ lệ nông dân vào hợp tác xã chiếm 59,8 % thì đến đầu năm 1965 là 93%.
Công tác củng cố HTX được chỉ đạo kịp thời kết hợp đưa nhân dân đi xây dựng kinh tế mới. Ban Quản trị các HTX đã cùng với Cấp ủy, Ủy ban hành chính xã Chiến Thắng tổ chức nghiên cứu, khảo sát trên địa bàn 2 huyện Yên Sơn và Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang để chuẩn bị đưa bà con lên định cư. Các HTX đã tổ chức các đoàn tiền trạm, huy động nhân công mở các tuyến đường, tổ chức công tác hậu cần, làm nhà đoàn phục vụ công tác chỉ đạo và hỗ trợ nhân dân định cư nơi ở mới tại huyện Yên Sơn và huyện Chiếm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Trong giai đoạn này ngoài việc chú trọng sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống xã viên, các HTX còn tổ chức quy hoạch các nghĩa trang, sân kho, trại chăn nuôi. Song song với quy hoạch các HTX còn tổ chức sản xuất gạch nhằm phục vụ xây dựng nhà kho, sân phơi, nhà nuôi tằm, sấy kén, ươm tơ, các cầu, cống phục vụ sản xuất và nhu cầu kiến thiết của xã viên. Từ 16 HTX ban đầu, đến năm 1964 sát nhập thành 12 HTX. Đến cuối năm 1965 sáp nhập lại còn 6 HTX. Các HTX có quy mô vừa thu hút 95% số hộ nông dân trong toàn xã tham gia là xã viên HTX.
2.HTX góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam (1966 – 1975)
Công cuộc hợp tác hoá đã có những đóng góp đáng kể vào nâng cao đời sống nhân dân. Do quan tâm chỉ đạo, tập trung sức người, sức của cải tạo đồng ruộng, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất đã tạo không khí yên tâm phấn khởi tin tưởng vào HTX. Vai trò của HTX Nông nghiệp đã được khẳng định. Xã viên với vai trò chủ thể của HTX, thực hiên khẩu hiệu “HTX là nhà xã viên là chủ”. Năm 1966 Đảng bộ xã đã lãnh đạo thực hiện 2 cuộc vận động “Cải tiến quản lý HTX” và “Cải tiến kỹ thuật”. Thực hiện cơ chế lấy đội là đơn vị khoán: Khoán chi phí sản xuất; Khoán công điểm; Khoán sản lượng. Với phương châm “Thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu”. Tiếp tục củng cố HTX, thực hiện sáp nhập 3 HTX miền Làng thành 1 HTX quy mô liên thôn lấy tên là HTX Nông nghiệp Dương Hoà. Toàn xã còn 4 HTX Nông nghiệp đó là: HTX Dương Hoà, HTX Tiền Phong, HTX Đoàn Kết, HTX Hoà Hợp, thu hút đại đa số nhân dân tham gia. Phong trào thi đua thâm canh tăng năng xuất lúa được đẩy mạnh, học tập Thái Bình quê hương của phong trào 5 tấn, hai HTX Tiền Phong và Dương Hoà năng xuất lúa đạt 6,2 tấn/ha/năm, xã Chiến Thắng là xã đầu tiên có tên trong Bảng vàng 5 tấn của huyện Hoài Đức. Cùng với tăng năng xuất lúa các HTX đã đẩy mạnh công tác trồng dâu, nuôi tằm với phong trào 23 kg kén/sào dâu, đẩy mạnh chăn nuôi, tăng nhanh đàn lợn, duy trì đàn trâu, bò đảm bảo sức kéo. Các HTX đã tổ chức trại chăn nuôi tập trung với quy mô 200 đến 300 đầu lợn thịt. Thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu trong nông nghiệp (6 tấn thóc/ha, 23 kg kén/sào dâu, 4,5 đầu lợn/ha gieo trồng) xã Chiến Thắng đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước.
Trong giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện leo thang đưa chiến tranh ra miền Bắc và đưa quân vào miền Nam. Đất nước đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng cần huy động sức người, sức của để giải phóng miền Nam. Các HTX đã làm tốt công tác hậu phương quân đội, động viên thanh niên, con em lên đường tòng quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các HTX đảm bảo lương thực và các chế độ cho các gia đình có con em tham gia bộ đội. Các HTX đã mở các lớp dạy mầm non, vừa đảm bảo cho người đi chiến đấu yên tâm vừa đảm bảo cho xã viên lao động, sản xuất làm ra của cải vật chất đóng góp cho Nhà nước. Ngoài việc tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho Nhà nước phục vụ kháng chiến chống Mỹ, các HTX còn đảm bảo chế độ công điểm cho lực lượng dân quân trực chiến. Huy động thanh niên, dân quân hỗ trợ các đơn vị bộ đội triển khai trận địa phòng không, cung cấp lá cây xanh phục vụ nguy trang trận địa. Phối hợp với chính quyền trong công tác tuyển quân, vận động xã viên nhường các vị trí tốt nhất trong nhà cho bộ đội đóng quân. Do làm tốt công tác hậu phương, các HTX đã góp phần cùng Đảng bộ và Chính quyền thực hiện tốt công tác huy động thanh niên lên đường nhập ngũ, trong 10 năm bình quân đạt 8% dân số toàn xã với gần 1000 thanh niên trong độ tuổi tham gia bộ đội. Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước vai trò của các HTX nông nghiệp thực sự là nhân tố có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
III. HTX Dương Liễu với mục tiêu dân giàu, nước mạnh (1976 – 1998).
Với 4 HTX hoạt động quy mô liên thôn được hợp nhất thành quy mô toàn xã ngày 24/5/1976 đánh dấu sự phát triển, tính tất yếu của phong trào với trên 99 % số hộ nông dân tham gia HTX. Sau giải phóng miền Nam nhiệm vụ phát triển kinh tế được quan tâm chỉ đạo. Các HTX được hợp nhất thành quy mô toàn xã, nhiệm vụ trọng tâm là cải tạo đồng ruộng, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Nhiệm vụ đặc biệt thời kỳ này là đưa nhân dân 4 thôn (xóm) vùng phân lũ sông Đáy lên miền Làng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tây. Hợp tác xã với vai trò là chủ thể kinh tế đã huy động hơn 85.400 ngày công, san lấp, đào đắp với 69.400 m3 cải tạo mặt bằng cho 437 hộ di chuyển đến chỗ ở mới, ngoài chế độ theo quy định của UBND tỉnh Hà tây mỗi hộ di chuyển được hợp tác xã hỗ trợ 70 ngày công. Đồng thời hợp tác xã tổ chức cải tạo nền nhà, vườn trại cũ thành đất canh tác. Sau 2 năm cải tạo diện tích canh tác đã tăng thêm trên 100 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ tăng thêm 50 ha, đất trồng dâu và trồng mía trên 50 ha. Với nguồn nguyên liệu tự sản xuất HTX đã đầu tư xây dựng hàng chục km kênh tiêu nước trong khu dân cư, các cơ sở cầu, cống. Cấp hàng triệu viên gạch cho các đội, xã viên đóng góp công, mua vôi, cát, xi măng xây dựng đường làng. Hệ thống nhà trẻ được hoàn thiện với 4 cơ sở được xây dựng khang trang cùng các trang thiết bị đồng bộ và chế độ dinh dưỡng chuẩn theo quy định phục vụ con em xã viên. HTX được tổ chức theo quy mô các đội chuyên, khoán theo từng công việc. Các đội sản xuất cũng được sát nhập, mỗi thôn thành 1 đội sản xuất. Tuy nhiên công tác quản lý và điều hành sản xuất theo cơ chế tập trung, bao cấp, dẫn đến thiếu động lực của lực lượng lao động gây ra không ít khó khăn cho HTX. Nhận thức được vấn đề sống còn dưới ánh sáng Chỉ thị 100 của Ban bí thư Trung ương Đảng, HTX Dương liễu đã tập trung chỉ đạo thực hiện khoán đến nhóm và người lao động. Từ cơ chế khoán, HTX đã hoàn thiện công tác điều hành theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý, tập trung cho sản xuất từ đó năng xuất, sản lượng và các chỉ tiêu kinh tế đều tăng. Năm 1984 với cơ chế khoán mới, năng suất lúa của HTX lần đầu tiên đạt 10,8 tấn/ha, HTX Dương Liễu là thành viên của Câu lạc bộ 10 tấn/ha, sản lượng kén cao chưa từng thấy đạt 30 kg kén/sào dâu. Trong giai đoạn này HTX Dương Liễu còn được tham gia vào đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Nhận thấy địa bàn xã Dương Liễu đất chất, người đông, việc phát triển ngành nghề có vai trò quyết định đến thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân với tư duy đột phá “Điện phải đi trước một bước”. Được sự thống nhất của Đảng ủy, UBND xã, cùng với HTX Thủ công nghiệp, HTX Nông nghiệp Dương Liễu đã đóng góp cơ bản kinh phí đầu tư xây dựng, trực tiếp quản lý và điều hành công trình điện. Tháng 9 năm 1984 khởi công vớí 2,5 km đường dây trung áp và 01 trạm biến áp 320 KVA. Đầu năm 1985 nhân dân Dương Liễu đã có điện, vai trò của điện khí hóa các công đoạn sản xuất được hình thành. Có điện, nghề chế biến nông sản phát triển, nhu cầu cải tiến nông cụ, phương tiện, thiết bị ngày càng cao từ đó đã đẩy mạnh nghề cơ khí tại địa phương, thời kỳ cao điểm toàn xã có hàng chục xưởng cơ khí thực hiện gia công các loại xe cải tiến, chế tạo máy đùn bún phở, chế tạo máy xay sát củ dong, củ sắn, gia công các loại máy nông cụ khác…Là đầu tàu dẫn dắt kinh tế địa phương, năm 1989 HTX đầu tư 0,6 km đường rải nhựa và 1700m2 sân bãi bê tông phục vụ thu mua nông sản từ các tỉnh miền núi về địa phương. Kinh tế xã Dương Liễu chính thức khởi sắc khi có điện; giao thông trong các xóm, ngõ được đầu tư gạch hóa; có sân bãi tập kết nông sản;; kỹ thuật gia công, cơ khí đồng bộ; nghề chế biến nông sản được phát triển, xã Dương Liễu là một đại công trường với hàng ngàn hộ tham gia các công đoạn chế biến củ sắn, củ dong, mạch nha, sản xuất miến, gia công bún phở khô… HTX đã khâu nối với các nhà máy, các vùng nguyên liệu, tổ chức tham quan học tập các mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả của xã viên, có mô hình được báo cáo điển hình toàn quốc, đã có đoàn khách quốc tế đến nghiên cứu và nhiều tình, thành phố đến tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế. Nghề chế biến nông sản từ vị thế thứ yếu, không được coi trọng trở thành chủ lực trong cơ cấu thu nhập và đời sống nhân dân xã Dương liễu. Điện khí hóa trong chế biến nông sản thực sự đóng vai trò quyết định tác động đến công nghiệp chế biến và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trên địa bàn xã Dương Liễu ngày nay.
Hình thành trên nền tảng Tổ đổi công sau 40 năm thành lập, từ 2 HTX quy mô xóm (thôn), phát triển thành 16 HTX với 99 % số hộ dân tham gia, đến năm 1976 sáp nhập thành HTX quy mô toàn xã thể hiện tính tất yếu, khách quan của mô hình kinh tế tập thể. Thực tế đã chứng minh vai trò của kinh tế tập thể không thể thay thế khi kinh tế là động lực kết hợp với trách nhiệm xã hội mà HTX Dương Liễu đã thực hiện từ khi thành lập đến nay. Ngoài yếu tố là đầu tàu kinh tế ở địa phương, HTX còn thực hiện tốt vai trò kết nối giữa nhân dân với Đảng, Chính quyền. Xây dựng mối đoàn kết, tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm được phát huy hiệu quả ở mỗi đội sản xuất, vai trò của hình thức tổ chức theo mô hình đội sản xuất gắn với khu dân cư là ký ức khó phai trong tâm thức của người dân Dương Liễu. Là đơn vị dẫn đầu nhiều lĩnh vực, giai đoạn này Hợp tác xã Dương Liễu được Bộ trưởng Bộ nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu đến thăm và nhiều đoàn đến nghiên cứu mô hình. Đặc biệt ngày 7 tháng 5 năm 1988 cùng với nhân dân, cán bộ, xã viên HTX Dương Liễu được vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, Người thăm Vườn quả Bác Hồ, nói chuyện với các xã viên, Đại tướng khen mô hình Vườn quả Bác Hồ của HTX tạo việc làm cho nhiều người cao tuổi vui khỏe, đóng góp cho HTX và thu nhập cho bản thân; Thăm một số hộ chế biến củ sắn, củ dong, nấu mạch nha. Đại tướng căn dặn: “…Đồng thời tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế, xây dựng xã Dương Liễu trở thành một xã kiểu mẫu với mô hình nông, công nghiệp ngày càng phát triển…”. Ngày 29 tháng 9 năm 1990 Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đã đến thăm Đảng bộ và nhân dân Dương Liễu, ông đã thăm mô hình chế biến quy mô hộ và đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của nghề chế biến nông sản trong xã, Bí thư Thành ủy đánh giá: “…Chế biến nông sản có vai trò rất quan trọng trong đời sống nhân dân vậy Cấp ủy, Chính quyền và Hợp tác xã cần quan tâm”.
- Hợp tác xã Dương Liễu hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, giai đoạn 1998-2019.
1.HTX Dương Liễu “Vì sự phát triển cộng đồng”
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu ngày nay là sự kế thừa và phát triển của 3 loại hình hợp tác xã đó là xuất thân từ Hợp tác xã Nông nghiệp được tiếp nhận và kế thừa Hợp tác xã Thủ công nghiệp, đảm nhận vai trò của Hợp tác xã Mua bán (Thương mại ngày nay). Sau khi Luật hợp tác xã có hiệu lực, Hợp tác xã Dương Liễu đã chuyển đổi, thích ứng, kịp thời đảm nhận vai trò của các loại hình hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã viên và tiến trình phát triển của xã hội. Đây là giai đoạn kinh tế tập thể lần đầu được quy định trong Luật HTX năm 1996 được bổ sung thay thế bằng Luật HTX năm 2003. Trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, HTX phải tự tổ chức các dịch vụ đảm bảo kinh phí phục vụ hoạt động. Khái niệm dịch vụ còn mới mẻ, trìu tượng, tư duy về quản lý và điều hành kinh tế còn hết sức hạn chế. Với ý chí và sự quyết tâm đội ngũ cán bộ quản lý HTX đã vượt qua thử thách bằng tâm huyết, đoàn kết nội bộ, coi trọng tối đa lợi ích tập thể từ đó đã tạo nên động lực, sức sáng tạo. Ban đầu từ việc đấu thầu 4 bầu lò gạch, do phân tích đúng, nắm bắt sát diễn biến, linh hoạt và nhạy bén không để hiện tượng thông thầu xẩy ra nên đã tạo được hiệu quả, sản lượng thu về đạt 3.160.000 viên gạch chỉ/năm, vượt 2,16 lần so với chỉ tiêu giao. Mở đầu thuận lợi, Ban Quản trị đã quyết định dành 1/2 sản phẩm thu được hàng năm để phục vụ nâng cấp các tuyến giao thông trong các ngõ, xóm và kiên cố kênh mương. Kết quả sau 2 năm bằng hình thức cấp gạch của HTX (khoảng 3 triệu viên gạch chỉ) trên 90% tuyến giao thông trong thôn, xóm đã được nâng cấp và xây dựng mới. Bằng đầu tư của HTX và một phần hỗ trợ của nhà nước gần 9 km kênh tưới, tiêu kết hợp nội đồng đã hoàn thành với giá trị 1,6 tỷ đồng đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thành quả bước đầu đã tạo niềm tin và động lực cho cán bộ, xã viên HTX. Năm 1999 Ban Quản trị đã tập trung phân tích, nghiên cứu, nhằm cải tạo và thay đổi phương thức quản lý điện, xóa bỏ bao thầu, thực hiện quản lý và điều hành 1 cấp. Thanh lý hợp đồng huy động vốn đầu tư xây dựng 2 trạm biến áp số 4 và số 5 giữa HTX và tổ quản lý điện số 1 năm 1995 với nguyên tắc HTX đảm bảo thanh toán trả tổ quản lý điện số 1 khoản đầu tư theo giá trị quyết toán công trình và trên 40 tháng lãi xuất theo ngân hàng tại thời điểm chi trả. Tập trung củng cố tổ chức, thành lập Đội Kỹ thuật điện của HTX. Năm 2000 Ban Quản trị tiếp tục đầu tư 300 triệu đồng xây dựng trạm biến áp số 6 khu vực Hòa Hợp, gồm hệ thống trung áp dài 1,6 km, 1 trạm biến áp 180 kva và hệ thống hạ thế chính trong khu vực Hòa Hợp, chính thức xóa vùng trũng về điện trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho xã viên khu vực Hòa Hợp từng bước chuyển sang nghề chế biến, chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế xóa thế độc canh về trồng trọt. Thành công nối tiếp càng tạo động lực để tin tưởng những giải pháp của HTX đã đi đúng hướng. Kết quả thời kỳ đầu sau chuyển đổi đã tạo cho HTX Dương Liễu tích lũy được nhiều bài học, kinh nghiệm và nguồn lực để thực hiện các giải pháp phát triển; Nâng cao hiệu quả, tạo tiền đề mở thêm các dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, tích cực tham gia hỗ trợ cộng đồng và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Tổ chức bộ máy gọn nhẹ HTX đã duy trì hiệu quả 9 đến 13 dịch vụ, có 5 dịch vụ phục vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp được HTX phục vụ miễn phí. HTX thường xuyên đầu tư tu bổ hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng, tinh giảm nhân công làm công tác bảo vệ hoa màu, điều hành tưới, tiêu, chăm lo công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, công tác dự thính dự báo sâu bệnh, diệt chuột bảo vệ mùa màng. Chú trọng phát triển cây ăn quả, chuyển đổi gieo trồng cây ngô lấy hạt sang cây ngô nếp bán quà trên diện tích trồng xen cây ăn quả và cây dài ngày đạt hiệu quả.
Cùng với việc phát triển thêm ngành nghề mới, HTX đã khôi phục lại nghề thêu, mở các lớp dạy nghề, khai thác thị trường, tổ chức sản xuất. Đặc biệt HTX còn cử các lao động có tay nghề cao làm nhiệm vụ đào tạo, mở nghề thêu giúp các địa phương khác. Song song với việc tổ chức khôi phục, dạy nghề thêu, HTX đã triển khai các lớp dạy nghề may, tổ chức xưởng may gia công nhằm thực hành, nâng cao tay nghề để các lao động có thể tổ chức sản xuất đảm bảo thu nhập cho hàng trăm lao động là con em xã viên trong HTX. Ngoài ra hợp tác xã còn tổ chức được 4 lớp dạy nghề với các lớp cơ khí, trồng hoa, cây cảnh, tin học cho con em xã viên. Công tác giới thiệu sản phẩm làng nghề được chú trọng, hợp tác xã đã tham gia nhiều kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh từ miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Hai sản phẩm là tranh thêu Tứ bình và Miến dong Dương Liễu của hợp tác xã sản xuất đã được Ban tổ chức các kỳ Hội chợ, triển lãm tặng 4 Huy chương vàng, được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công nghiệp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam”. Thông qua chương trình xúc tiến giới thiệu sản phẩm, hợp tác xã đã ký hợp đồng tiêu thụ với hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty Cổ phần Nhất Nam, Tổng công ty Thương mại Hà Nội HAPRO, hệ thống Sài gòn Co.op. Mở các đại lý tiêu thụ có thời điểm tại hàng chục tỉnh, thành phố. Từ hoạt động quảng bá, tham gia các chương trình khảo sát của HTX và bình chọn của khách hàng thương hiệu Miến dong Dương Liễu được Bộ Công Thương cấp chứng nhận Thương hiệu Thực phẩm Việt Nam. Các hoạt động giới thiệu sản phẩm của HTX đã tạo điều kiện cho nhiều địa phương, khách hàng biết đến làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu, tiền đề để xã viên mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
- Hợp tác xã Dương Liễu từ năm 2014 đến nay
2.1. Mở rộng dịch vụ, phát triển đa ngành
Thứ nhất: Các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
HTX duy trì hoạt động các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên diện tích 270 ha. Thực hiện miễn phí 5 dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp gồm: Tưới tiêu, bảo vệ hoa màu, tu sửa giao thông nội đồng, công tác khuyến nông và bảo vệ thực vật.. Ngoài ra HTX vẫn chỉ đạo và điều hành công tác làm đất, Tổ chức các dịch vụ có thu theo thoả thuận và giá cả thị trường như duy trì cung cấp vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của thành viên và nhân dân.
Thứ hai: Quản lý điện nông thôn.
HTX là đơn vị có truyền thống hoạt động điện lực, đến nay toàn HTX có 28 trạm biến công suất 20.810 KVA (trong đó 8 trạm của HTX đầu tư sau bàn giao lưới điện trung áp công suất 7.910 KVA). Hệ thống hạ thế: 35 km, trên 5.500 công tơ, tổn hao điện năng giảm từ 8,9% năm 2013 xuống còn: 3,86% năm 2019. HTX thực hiện nghiêm túc quy định kiểm định công tơ và đặt mục tiêu đến 2023 sử dụng toàn bộ công tơ điện tử trên địa bàn HTX quản lý.
THứ ba: Tổ chức quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản.
HTX tổ chức tập huấn về ATVSTP cho người lao động. Hoàn thành cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện Vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2014 Thương hiệu Miến dong Dương Liễu của HTX được người tiêu dùng và Hội đồng thẩm định bình chọn tốp 300 thương hiệu hàng đầu Việt Nam do Tạp chí Công Thương, Bộ Công thương tổ chức.
Thứ năm: Sản xuất sản phẩm thêu tay truyền thống.
Tổ chức dạy nghề nhằm khôi phục lại nghề thêu, HTX đã duy trì sản xuất sản phẩm tranh thêu tay nghệ thuật tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Tổ chức bán hàng tại văn phòng và mở các đại lý tiêu thụ, kết hợp với du lịch tổ chức bán hàng tại các điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, làm quà tặng cho các đối tác và phục vụ nhân dân trong các dịp mừng nhà mới, mừng thọ, các sự kiện.
Thứ sáu: Hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường.
HTX tổ chức hoạt động VSMT theo đề án được Đại hội Đại biểu thành viên thông qua. Từ năm 2013 hoạt động VSMT của HTX được nhân dân đánh giá cao. HTX lập quỹ Bảo vệ môi trường được Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức tham gia ủng hộ. Tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức, HTX chuyển hoạt động VSMT cho HTX Thành Công từ ngày 1/4/2017
Thứ bảy: Hoạt động của doanh nghiệp trực thuộc.
Sau một thời gian nghiên cứu mô hình, được thành viên và Đại hội thành viên đồng tình ủng hộ. Năm 2017 HTX đã thành lập Công ty Thương mại và du lịch An Hưng hoạt động trên lĩnh vực Thương mại, Tour du lịch Lữ hành và vận chuyển hành khách. Bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Từ tháng 8 năm 2020 HTX được UBND xã giao công tác tổ chức các dịch vụ tại chợ Sấu. HĐQT đã chỉ đạo giao Công ty An Hưng xây dựng phương án và bố trí nhân sự nhằm tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ nhân dân và tiểu thương kinh doanh tại chợ. Sau khi tiếp cận Công ty đã nhanh chóng ổn định tổ chức, xắp xếp bộ máy phục vụ các hoạt động kinh doanh tại chợ Sấu đi và nề nếp được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
2.2.Tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế
Luật HTX năm 2012 với nhiều đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn đòi hỏi của kinh tế thị trường. HTX Dương Liễu đã thực hiện sáng tạo việc tổ chức lại HTX với nội dung củng cố, đổi mới HTX theo luật HTX năm 2012. Các chỉ số kinh tế phản ánh kết quả vượt bậc, chứng minh cho sự đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn của cán bộ, thành viên và người lao động HTX trong giai đoạn vừa qua: Tổng doanh thu năm 2019 đạt: 74.126,3 triệu đồng = 225,8% so với năm 2014. Nộp ngân sách năm 2019 của HTX đạt: 1.864,8 triệu đồng = 321,2% so với năm 2014. Thu nhập sau thuế năm 2019 đạt: 3.523,9 triệu đồng = 392,2 % so với năm 2014.
2.3. Trách nhiệm vì cộng đồng
HTX Dương Liễu coi trách nhiệm hỗ trợ xã hội là nghĩa vụ với cộng đồng và vì sự phát triển của hợp tác xã.
-Thực hiện tốt các luật thuế nhà nước quy định; từ năm 2014 đến 2019 HTX đã nộp đúng, đủ, kịp thời ngân sách nhà nước được: 7.872,0 triệu đồng, kê khai và quyết toán đầy đủ thu nhập cá nhân cho các lao động làm việc tại HTX theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân
-Hỗ trợ nông nghiệp: 1.736,3 triệu đồng, trung bình 289,4 triệu đồng/năm.
-Hỗ trợ tiền điện chiếu sáng công cộng: 1.111,0 triệu đồng, trung bình 185,2 triệu đồng/năm
-Hỗ trợ các hoạt động xã hội: 1.347,3 triệu đồng, trung bình: 224,5 triệu đồng/năm
Tổng cộng 6 năm HTX đã huy động từ thu nhập sau thuế thực hiện trách nhiệm với cộng đồng đạt: 4.185,7 triệu đồng, trung bình đạt: 697,6 triệu đồng/năm
2.4. Những phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước
Huân chương Lao động hạng Nhì phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước tặng cho hợp tác xã Dương Liễu năm 2014 đã khơi dậy niềm tự hào, ý chí phấn đấu của tập thể thành viên, người lao động trong hợp tác xã. Hợp tác xã đã được Liên minh hợp tác xã Việt Nam tặng cờ thi đua năm 2018. UBND thành phố Hà Nội tặng cờ thi đua năm 2014, 2015, 2016 và 2018. Ghi nhận thành tích, cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, xã viên, thành viên, người lao động trong hợp tác xã đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, hỗ trợ cộng đồng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, năm 2020 hợp tác xã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Liên minh HTX Việt Nam, Bộ Công Thương, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen và nhiều Giấy khen của các sở, ngành, UBND huyện Hoài Đức.
- Phương hướng phát triển hợp tác xã
Phát huy thành quả đã đạt được, với niềm tự hào và trách nhiệm, toàn thể thành viên, cán bộ, người lao động HTX Dương Liễu quyết tâm thực hiện tốt khẩu hiệu hành động: “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, đổi mới xây dựng hợp tác xã phát triển bền vững” với cơ hội và thách thức đan xen trong đó hoạt động của hợp tác xã phải đổi mới để thích ứng với môi trường đô thị khi xã Dương Liễu đã hoàn thành chuẩn lên phường đó là: “Từng bước chuyển dịch mục tiêu dịch vụ theo hướng phục vụ cư dân đô thị làm trọng tâm nhằm xây dựng và tổ chức các dịch vụ, phát triển các doanh nghiệp dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội” với 3 yếu tố chủ đạo:
+Chuyển hoạt động dịch vụ nông nghiệp truyền thống sang hoạt động dịch vụ ứng dụng khoa học, công nghệ, từ mô hình dịch vụ nông nghiệp nông thôn sang mô hình nông nghiệp đô thị.
+Nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng điện với 3 trọng tâm:
-Đáp ứng yêu cầu phụ tải với chất lượng tốt nhất.
-Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, chăm sóc khách hàng.
-Nâng cao trình độ nguồn nhân lực, thái độ phục vụ tận tình, văn minh, chu đáo.
+Chuyển trọng tâm hoạt động thương mại từ quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm làng nghề sang dịch vụ cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm, nông sản thực phẩm phục vụ cư dân đô thị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ
HỢP TÁC XÃ DƯƠNG LIỄU ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG NHẤT
- Đặc điểm tình hình
Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng là phần thưởng vô giá của Đảng và Nhà nước, ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ xã viên, thành viên, người lao động HTX vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm là để bày tỏ lòng tri ân các thế hệ xã viên, thành viên, người lao động đã dày công vun đắp. Với tấm lòng biết ơn sâu sắc, Hội đồng quản trị hợp tác xã đã xây dựng chương trình hành động, tổ chức kỷ niệm 62 năm ngày thành lập hợp tác xã. Nhằm lan tỏa những giá trị của các thế hệ đi trước đối với thế hệ hôm nay. Hợp tác xã Dương Liễu đã tổ chức phát động phong trào thi đua ngay từ đầu năm tại Đại hội tổng kết hoạt động hợp tác xã năm 2019. Năm 2020 tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu sắc, ảnh hưởng tới đời sống người lao động và kết quả hoạt động của hợp tác xã. Từ những yếu tố đó nhằm động viên thành viên người lao động thi đua lao động sản xuất, chung sức đồng lòng, củng cố vững chắc mối quan hệ chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên và người lao động.
- Các phong trào thi đua
Hội đồng quản trị đã phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, đổi mới xây dựng hợp tác xã Dương Liễu phát triển bền vững”. Sau khi phát động thi đua các bộ phận và đơn vị trực thuộc đã quán triệt mục đích và yêu cầu của phong trào thi đua trong đó yếu tố thiết thực nhất là tập trung đảm bảo đời sống cho người lao động. Các đội dịch vụ và đơn vị trực thuộc đã tập trung nâng cao hiệu quả dịch vụ, đảm bảo năng xuất, an toàn, trong thực hiện nhiệm vụ đồng thời thực hiện đăng ký các chỉ tiêu thi đua. HĐQT đã phối hợp với Cấp ủy Chi bộ chỉ đạo Ban chấp hành Công đoàn, Ban chấp hành chi đoàn thanh niên tổ chức quán triệt tới các đoàn viên và người lao động thi đua lao sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020. Nhưng diễn biến dịch bệnh sẩy ra, rất khó lường ảnh hưởng tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã. Trước tình hình đó Giám đốc đã tổ chức quán triệt đến các bộ phân, đơn vị trực thuộc với quyết tâm cao nhất nhằm đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo đội Kỹ thuật điện đảm bảo an toàn trong lao động, giảm chi phí, phấn đấu giảm chỉ tiêu tổn hao, doanh nghiệp trực thuộc chủ động trong việc trả lương hợp lý nhằm đảm bảo cho người lao động yên tâm, làm việc trở lại khi tình hình dịch bệnh đã ổn định. Các bộ phân giúp việc chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp tiết kiệm chi phí, giải pháp làm việc trong điều kiện dãn cách xã hội theo chỉ thi của Thủ tướng Chính phủ nhằm không để sẩy ra tình trạng lây chéo giữa các bộ phận đặc biệt là bộ phận Kỹ thuật điện. Muốn ổn định đời sống người lao động và phát triển sản xuất kinh doanh trước hết phải đảm bảo an toàn cho người lao động, Giám đốc đã chỉ đạo trang bị đầy đủ khẩu trang, phun khử trùng tiêu độc, dung dịch rửa tay, chia nhóm làm việc, phân công trực hợp lý đảm bảo công việc không bị gián đoạn làm ảnh hưởng tới khách hàng và hoạt động của hợp tác xã. Trước tình hình dịch bệnh các hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn đều ngừng trệ, nhiều khách hàng bị trả lại sản phẩm do không tiêu thụ, không có khách mua hàng. Tổng hợp kết quả hoạt động 9 tháng các chỉ tiêu về doanh thu và thu nhập của hợp tác xã chỉ đạt 87 % so với cùng kỳ, nhằm đảm bảo các chỉ tiêu và đảm bảo đời sống cho người lao động HĐQT đã tổ chức phát động thi đua 60 ngày nước rút với chủ đề “Tập trung hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020” với một số nhiệm vụ chủ yếu như sau: Doanh thu năm 2020 phấn đấu đạt tối thiểu 90% so với năm 2020, thu nhập đảm bảo vượt từ 3 đến 5 % so với năm 2020, thu nhập người lao động tối thiểu không giảm hơn so với năm 2019. Nộp ngân sách tối thiểu bằng năm 2019. Tham gia hoạt động xã hội tối thiểu bằng năm 2019. Sau khi HĐQT thống nhất chủ trương, Giám đốc hợp tác xã đã tổ chức quán triệt đến người lao động và được người lao động trong các bộ phận và đơn vị trực thuộc hưởng ứng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của HĐQT, sự vào cuộc và quyết tâm điều hành của Giám đốc. Chỉ đạo chặt chẽ giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm tổn hao điện năng, đảm bảo hiệu xuất lao động, tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến khách hàng. Những tháng cuối năm 2020 đối với người lao động trong hợp tác xã thực sự với một không khí sôi động, càng gần đến ngày kỷ niệm thành lập hợp tác xã không khí càng khẩn trương, một quyết tâm mới, một ý chí, một niềm tin tràn đầy năng lượng với mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra.
Năm 2020 chia sẻ những khó khăn do tình hình dịch bệnh hợp tác xã đã thực hiện hỗ trợ tiền điện 3 tháng theo chỉ đạo của Bộ Công thương đối với điện sinh hoạt từ bậc thang 1 đến bậc thang 4 và điện mục dích khác với số tiền: 242.408.860 đồng; hợp tác xã và người lao động tham gia ủng hộ phòng chống Covid-19 với số tiền 19 triệu đồng; ủng hộ quỹ vì người nghèo và đồng bào miền Trung số tiền 34 triệu đồng, (trong 2 cuộc vận động người lao động trong hợp tác xã Dương Liễu đã nhiệt tình ủng hộ mỗi người 2 ngày lương). Nhân dịp kỷ niệm 62 năm thành lập, hợp tác xã đã trích quỹ phúc lợi tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ thành viên, người lao động và cán bộ HTX các thời kỳ cao tuổi, gặp khó khăn: 16 triệu đồng, Hỗ trợ thành viên, người lao động gặp khó khăn do hỏa hoạn với số tiền 30 triệu đồng. Những hành động trên thể hiện tình cảm cộng đồng, chia xẻ khó khăn với xã hội được HĐQT hợp tác xã và người lao động nhiệt tình ủng hộ.